Ngành công nghiệp in Việt Nam qua những con số

I. TOÀN CẢNH NGÀNH CÔNG NGHIỆP IN VIỆT NAM QUA NHỮNG CON SỐ

Để phục vụ cho việc định hướng và quy hoạch phát triển Ngành, Hiệp hội In Việt Nam đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp in cả nước năm 2012, có so sánh với năm 2011 và kế hoạch năm 2013.

Cho tới nay, Hiệp hội In đã có được số liệu của 127 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong ngành in Việt Nam, trong đó phần lớn là các hội viên của Hiệp hội. Các số liệu còn lại được ước lượng dựa trên các số liệu thông qua niêm yết của các công ty cổ phần, công ty đại chúng, phỏng vấn một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực in bao bì và các nguồn thông tin khác.

Theo số liệu tổng hợp được thì số lượng các doanh nghiệp và cơ sở in của Việt Nam khoảng trên 1.200 đơn vị, không kể các cơ sở dịch vụ in quá nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của toàn ngành.

1. Sự phân bố lực lượng in
IN ẤN TẠI HÀ NỘI:

Hà Nội vẫn là một trong hai trung tâm lớn của cả nước với gần 200 cơ sở in, chiếm 15% sản lượng trang in và 16% doanh thu toàn ngành.

Hà Nội có hơn mười doanh nghiệp Nhà nước (chiếm tỷ trọng cao nhất so với các khu vực khác), chủ yếu in các sản phẩm truyền thống như sách, báo – tạp chí, bản đồ, in tiền và các tài liệu quan trọng phục vụ nội bộ các cơ quan Nhà nước, Đảng, Quân đội, Công An, Tài chính, Ngân hàng, Giáo dục v.v…Sản lượng của khối các doanh nghiệp này giảm nhiều hơn tăng do có sự chuyển đổi cơ cấu mặt hàng trong ngành in.

Một số cơ sở đang gặp khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động. Khối doanh nghiệp cổ phần và tư nhân đang trên đà phát triển, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp được đầu tư bài bản, căn cơ, có cơ sở vật chất vững mạnh, trong đó phải kể đến các công ty như: công ty CP Bao bì và in Nông nghiệp, công ty Việt Hưng, Goldsun v.v…Các công ty nhỏ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, sức cạnh tranh yếu.

IN ẤN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH:

Là trung tâm in lớn nhất cả nước với gần 1.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 60% doanh thu và 52% sản lượng trang in toàn ngành.

Ở đây lĩnh vực in các xuất bản phẩm và báo chí đang bị tác động mạnh, trừ một số cơ sở vẫn giữ được đà tăng trưởng nhưng phần lớn đang bị giảm đơn hàng, trong đó một số cơ sở phải ngừng hoạt động như công ty CP in Khánh Hội, Hưng Phú, Vina, Minh Việt Long hoặc sa sút nhiều như công ty Cơ khí ngành in, công ty in Lê Quang Lộc v.v…

Lĩnh vực in nhãn hàng, bao bì là thế mạnh của thành phố Hồ Chí Minh, nơi có tới hàng chục công ty in bao bì lớn có doanh số từ 200 tỷ đến 1.600 tỷ đồng/năm và hơn 500 công ty bao bì tư nhân có sản lượng thấp nhưng hoạt động cũng khá năng động. Sự cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm này cũng rất cao giữa các đơn vị trong nước và với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều loại bao bì cao cấp phục vụ cho các tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như P&G, Unilever v.v… đang bị các công ty in có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm rất mạnh.

IN ẤN TẠI KHU VỰC ĐỊA PHƯƠNG PHÍA BẮC:

Bao gồm các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ. Đây là khu vực có diện tích địa lý lớn nhưng ngành in chưa được phát triển so với các khu vực khác của cả nước. Sản lượng và doanh thu in của khu vực này chiếm chưa đến 2% toàn ngành.

Nguyên nhân là chưa có trọng điểm in lớn nào được hình thành, mặc dù theo quy hoạch trước đây thì Hải Phòng và Nghệ An được đánh giá sẽ là 2 trong 4 trọng điểm in của cả nước. Quy mô của các cơ sở in khu vực này khá nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu, tổng vốn đầu tư trong các năm qua rất thấp, sự chuyển hướng sang lĩnh vực in bao bì còn chậm do công nghiệp địa phương chưa thực sự phát triển. Hiện nay đang có tín hiệu phát triển các cơ sở bao bì tại một số khu vực như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và một số nơi khác.

IN ẤN KHU VỰC ĐÀ NẴNG:

Là Thành phố lớn trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng là một trong những trọng điểm in của cả nước, có một số cơ sở in quy mô khá, chủ yếu in các sản phẩm truyền thống là báo chí, sách giáo dục, vé số v.v… chưa có cơ sở lớn về in bao bì. Trong tương lai, nếu không phát triển được mảng này thì sản lượng in sẽ bị giảm đi so với hiện nay.

IN ẤN KHU VỰC ĐỊA PHƯƠNG PHÍA NAM:

Bao gồm các tỉnh miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ. So với khu vực địa phương phía Bắc thì khu vực này có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, có sản lượng chiếm trên 20% toàn ngành.

Tuy vậy, việc phân bố lực lượng in ở khu vực này không đồng đều, một số địa phương như Quảng Ngãi, Đak Nông, Kontum, Bình Phước lực lượng in còn rất nhỏ bé, ngược lại ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai ngành in lại rất phát triển, đặc biệt là lĩnh vực in bao bì, trong đó các doanh nghiệp in có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng khá lớn, được đầu tư và điều hành khá bài bản.

Các nhà in truyền thống như Bình Định, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Bình Dương, Bình Thuận cũng giữ được mức tăng trưởng tương đối tốt, đạt doanh thu hàng năm từ trên 50 tỷ đến gần 100 tỷ đồng.

IN ẤN KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:

Ở 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ còn 3 đơn vị chưa cổ phần hóa phát triển tương đối ổn định, trong đó có thành phố Cần Thơ chiếm gần 50% sản lượng toàn khu vực.

Một số tỉnh còn chậm phát triển về ngành in như Trà Vinh, Hậu Giang nhưng ở hai nơi này đã thành lập hai cơ sở in mới là công ty CP in Hậu Giang và cơ sở in flexo thuộc tập đoàn Mỹ Lan ở khu công nghiệp Long Đức thị xã Trà Vinh với thiết bị và nhà xưởng khá hiện đại. Các khu công nghiệp mới ở Long An và Cần Thơ cũng đang có các cơ sở in bao bì lớn và có tương lai phát triển tốt.

Nhìn chung trong năm 2012, qua số liệu khảo sát của 127 cơ sở thì có tới 60% cơ sở có sản lượng và doanh thu giảm hoặc không tăng so với năm 2011, 30% cơ sở tăng không đáng kể và chỉ có 10% vẫn có đà tăng trưởng tốt từ 10% trở lên. Nếu tính thêm gần 1.000 cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ, thì ngành công nghiệp in Việt Nam có trên 2.000 đơn vị với doanh thu mỗi năm đạt trên 40.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD) một con số còn khá thấp so với các nước trong khu vực.

2. Xu thế biến động sản phẩm in và nhu cầu chuyển đổi công nghệ
2.1  Xu thế biến động về sản phẩm in:

–        Sách: Sách điện tử ở Việt Nam chưa thực sự phổ biến nên chưa có ảnh hưởng lớn đến sách in, nhưng trong tương lai không xa chắc chắn sẽ thay thế dần sách in. Theo số liệu của Cục Xuất Bản, năm 2012 số đầu sách xuất bản trong năm là 28.009 cuốn, tổng số bản sách xuất bản là 301,717 triệu bản tăng chút ít so với năm trước. Tuy vậy số lượng in bình quân trên một đầu sách có xu hướng ngày một giảm. Trong 64 nhà xuất bản chỉ có nhà xuất bản Giáo Dục có số bản in bình quân là 69.000 bản/đầu sách, nhà xuất bàn Kim Đồng 9.000 bản/đầu sách; còn 62 nhà xuất bản còn lại số lượng in bình quân chỉ khoảng 2.000 bản/ đầu sách, trong đó có 14 nhà xuất bản in dưới 1.000 bản/đầu sách. Xu thế tăng đầu sách, giảm số lượng và giảm số trang đang là một thực tế kể cả đối với nhà xuất bản Giáo Dục khi chủ trương một môn học nhiều bộ sách được thực hiện. Lượng sách khâu chỉ sẽ ngày một giảm. Những thông tin đó cần được các nhà in đang in sách là chủ yếu cần lưu ý trong giai đoạn tiếp theo.

–        Báo, tạp chí: Số lượng đầu báo và tạp chí hiện nay là trên 800 nhưng số lượng in đang giảm dần, công suất in loại sản phẩm này đang dư thừa nên giá cả in giảm sút, trong khi chi phí sản xuất đang tăng hàng năm. Số tờ báo và tạp chí có lợi nhuận rất ít nên khả năng thanh toán yếu, nợ kéo dài, thậm chí xù nợ và chuyển nhượng lại giấy phép. Hầu hết các nhà in có in báo, tạp chí nhiều đều đang giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất hoặc phải chuyển hướng mặt hàng. Tình trạng này sẽ ngày một xấu hơn khi báo mạng đang lấn lướt báo in và các phương tiện điện tử thông minh được cải tiến liên tục.

–        Văn hóa phẩm: Mảng sáng duy nhất trong lĩnh vực in văn hóa phẩm là lịch bloc với số lượng hàng năm gần 20 triệu cuốn với mẫu mã ngày một đẹp, đa dạng và tiện dụng. Nhưng in lịch bloc cũng chỉ tập trung ở khoảng hơn 20 nhà in trên cả cước, nơi có những thiết bị và công nghệ sản xuất phù hợp, giá cả cạnh tranh. Các loại lịch tờ, lịch bàn, lịch sổ v.v… số lượng đã ở mức giới hạn. Tranh, ảnh, bưu thiếp và các loại văn hóa phẩm khác sản lượng không đáng kể. Phần lớn các loại sản phẩm này chỉ tập trung in ở các trung tâm lớn và một số tỉnh trọng điểm để tiện cho việc phát hành, không phải chia đều cho các nhà in.

–        Vé số: Đây là nguồn công việc khá ổn định và mang lại doanh thu cao cho nhiều nhà in ở các tỉnh phía Nam. Gần đây Bộ Tài Chính có những quy định tăng mệnh giá và giảm số lượng phát hành cũng làm cho sản lượng trang in của các nhà in giảm xuống. Các nhà in cũng lo ngại trong tương lai nếu xổ số điện tử ra đời thì ngành in cũng mất đi một sản lượng đáng kể.

–        Các loại hóa đơn, chứng từ thanh toán: Hiện nay cả nước có hơn 100 cơ sở in có giấy phép in hóa đơn tài chính. Nhiều nhà in cũng có công nghệ in các loại thẻ cào, giấy nhiệt cho các trạm ATM, hệ thống siêu thị, ngân hàng v.v… Năm 2011, một số nhà in đã bội thu nhờ các loại công việc này.Gần đây Bộ Tài Chính cho phép các doanh nghiệp tự in hóa đơn, việc điện toán hóa trong thanh toán của một số doanh nghiệp lớn cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn công việc này của một số doanh nghiệp in. Do đó các thiết bị và công nghệ đầu tư sẽ bị dư thừa công suất.

–        Catalogues, brochures, tờ rơi, kỷ yếu và các ấn phẩm cá nhân riêng biệt: Trong lĩnh vực in thương mại thì chỉ có mảng công việc này vẫn đang tiếp tục gia tăng. Việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa và các nhu cầu riêng biệt ngày một cần thiết. Mặc dù khủng hoảng kinh tế đã buộc các doanh nghiệp cắt giảm nhiều khoản chi phí, nhưng để tiếp tục tồn tại và phát triển thì việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ và củng cố thương hiệu lại cần thiết hơn bao giờ hết. Do vậy gần đây các tổ chức thương mại, các hãng sản xuất và phân phối sản phẩm ngoài các kênh quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đã không ngừng gia tăng quảng bá thông qua các ấn phẩm riêng như các tờ rơi, các catalogues, brochures, các tài liệu hướng dẫn sử dụng… với tổng chi phí hàng năm không nhỏ. Nhu cầu về các ấn phẩm mang tính cá nhân riêng biệt cũng bắt đầu xuất hiện. Tuy vậy không phải nhà in nào cũng có đủ năng lực để đáp ứng các nhu cầu này của thị trường do số lượng in hoặc cực lớn, chất lượng cao hoặc thời gian giao hàng ngày một rút ngắn. Dự báo mảng sản phẩm này sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai khi các nhà sản xuất và thương mại lớn của quốc tế đang tiếp tục nhảy vào thị trường 90 triệu dân của Việt Nam và các ấn phẩm cá nhân riêng biệt đang trở thành một xu thế.

–        Bao bì và nhãn hàng: Đây là thị phần lớn nhất của ngành in Việt Nam cũng như quốc tế. Qua số liệu khảo sát thì không có một nhà in nào đạt được doanh số 350 tỷ đồng/năm nếu không tham gia thị phần in nhãn hàng và bao bì, thậm chí doanh số từ 100 tỷ đồng trở lên cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó số cơ sở in bao bì có doanh số hàng trăm cho tới trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm khá đông. Đặc điểm của khối doanh nghiệp này là:

+ Không có doanh nghiệp Nhà nước.

+ Tập trung ở các thành phố lớn và khu công nghiệp.

+ Có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân.

+ Thiết bị và công nghệ đa dạng.

+ Tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với in thương mại, các ấn phẩm truyền thống.

Cùng với sự phát triển kinh tế và sản xuất hàng hóa thì mảng in bao bì, nhãn hàng sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, chất lượng đòi hỏi ngày một cao hơn, mới mẻ, phong phú, cầu kỳ hơn và sự cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn.

2.2  Đầu tư và đổi mới công nghệ.

Thời kỳ suy thoái kéo dài suốt mấy năm qua và lãi suất ngân hàng quá cao đã ảnh hưởng không ít đến việc đầu tư phát triển của ngành in Việt Nam.Theo số liệu khảo sát của 127 đơn vị thì tổng vốn đầu tư năm 2012 của các đơn vị này là 578 tỷ đồng, tương đương 28 triệu USD, trong đó chủ yếu ở Hà Nội 20%, TP HCM 62%, các khu vực còn lại chỉ 18%  mà phần lớn cũng ở các địa phương khu vực phía Nam. Điều đó ít nhiều minh họa cho tấm bản đồ phân bố lực lượng in của nước ta hiện nay. Thực ra lượng vốn đầu tư của toàn ngành năm qua lớn hơn nhiều bởi ngoài các đơn vị đã khảo sát, chỉ tính riêng 2 công ty là Mylan Group và Viettel số vốn đầu tư đã xấp xỉ con số kể trên, trong đó công ty Mỹ Lan đã đầu tư tới 20 triệu USD. Trong các năm tới, nếu tình hình kinh tế cải thiện hơn, lãi suất ngân hàng giảm hơn nữa và để bảo đảm tăng sản lượng từ 5 đến 10% thì ngành in nước ta cần số vốn đầu tư từ 100 triệu đến 200 triệu USD mỗi năm.

Phần lớn số vốn kể trên đầu tư cho máy móc, thiết bị . Ở những cơ sở in lớn có nguồn việc tương đối dồi dào và có chiến lược phát triển rõ rệt, đã mạnh dạn đầu tư máy mới và hiện đại. Phần lớn các nhà in vừa và nhỏ, nhất là ở các địa phương đầu tư chủ yếu bằng máy móc đã qua sử dụng, đầu tư rẻ, nhanh thu hồi vốn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân với sự năng động và sáng tạo đã sử dụng những thiết bị cũ để tạo ra những sản phẩm metalize, spot UV, hiệu ứng bong – sần và những hiệu ứng đặc biệt đáp ứng yêu cầu của khách hàng đối với văn hóa phẩm hoặc bao bì.

Việc chuyển đổi công nghệ trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực nhưng cũng đầy thử thách. Khâu trước in, chuyển đổi từ CTF sang CTP đang diễn ra khá nhanh và mang lại hiệu quả. Hầu hết các cơ sở in lớn đã được trang bị từ 1 đến 3 máy CTP, một số cơ sở in địa phương cũng mạnh dạn đầu tư CTP. Chế bản flexo và ống đồng cũng không còn khó khăn như trước nhờ đầu tư công nghệ mới.

Ở khâu in, công nghệ in offset và ống đồng đang có dấu hiệu chững lại tuy vẫn là mảng đầu tư lớn nhất, in flexo và kỹ thuật số bắt đầu gia tăng để đáp ứng sự chuyển đổi về cơ cấu và mẫu mã sản phẩm, đó cũng là xu thế chung của thế giới. Ở đây đòi hỏi sự đột phá và chiến lược kinh doanh bài  bản thì mới mang lại hiệu quả bởi chi phí đầu tư là không nhỏ, kỹ năng vận hành chưa quen thuộc và thành thạo.

Khâu sau in cũng được đầu tư khá mạnh tuy thiết bị mới và hiện đại chưa nhiều nên năng suất lao động còn thấp. Lao động ở khâu sau in chiếm trên 60% lực lượng lao động toàn ngành in và thiếu sự đào tạo bài bản.

3. Nhân lực và đào tạo ngành in 
Số lượng lao động toàn ngành hiện nay khoảng 50.000 người, chất lượng lao động chưa cao, năng suất lao động thấp. Các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bổ sung và thay thế của các doanh nghiệp, không chỉ do thiếu các cơ sở đào tạo mà còn do không có đầu vào. Các cơ sở đào tạo đều cho biết hiện nay cơ số chiêu sinh còn thấp hơn rất nhiều so với khả năng đào tạo của các trường mặc dù chi phí đào tạo không cao. Rất ít doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho khâu đào tạo, không tự cử người đi học nghề mà chờ sẵn nguồn cung cấp từ các trường hoặc săn đón lao động từ các doanh nghiệp khác, trong khi việc chiêu sinh của các trường đang rất khó khăn do xã hội không mấy quan tâm đến việc học nghề in như nhiều ngành nghề phổ thông khác. Qua khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp in đều bức xúc về công tác đào tạo không đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều nơi đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho máy móc thiết bị nhưng chất lượng lao động không đáp ứng nên hiệu quả đầu tư thấp, gây lãng phí và chậm thu hồi vốn. Ở khu vực miền Trung và miền Tây Nam Bộ vẫn chưa có cơ sở đào tạo mặc dù có nhu cầu thực sự.

Thu nhập bình quân toàn ngành hiện nay khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, ở các địa phương chỉ hơn 4 triệu đồng, ở mức trung bình so với mặt bằng chung của xã hội. Do ít đầu tư vốn chất lượng lao động và thu nhập thấp nên các nhà in địa phương càng khó khăn về nguồn công việc, trong khi nhiều đơn hàng lớn, đòi hỏi chất lượng cao lại đổ dồn về các trung tâm in lớn.

4. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và những khó khăn đang đối mặt
Tổng lợi nhuận trước thuế của 127 đơn vị đã khảo sát là 466 tỷ đồng, tương đương 3,56% trên doanh thu và 9,3% trên vốn chủ sở hữu. Chỉ số này ở các đơn vị ở các đơn vị chưa khảo sát, trong đó có nhiều cơ sở in bao bì lớn có thể cao hơn. Sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì lợi nhuận ròng của ngành in quá thấp, thấp hơn cả lãi suất huy động của ngân hàng. Nếu tính đến yếu tố lạm phát và mất giá của đồng tiền thì ngành in đang bị cụt vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của ngành in nước ta. Điều đó lý giải vì sao nhiều nhà in đã phải phá sản, ngưng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh trong thời gian qua.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên là:

–        Chi phí sản xuất ngày một tăng.

–        Giá công in ngày càng giảm. Do thiếu việc làm nên các nhà in đua nhau giảm giá, giành giật công việc của nhau. Việc hiệp thương giá giữa các nhóm sản phẩm và sự can thiệp của Hiệp hội In Việt Nam chỉ có tác dụng ở một số trường hợp cá biệt. Một số cơ sở đề xuất Hiệp hội In Việt  Nam nên ban hành một biểu giá sàn cho một số loại sản phẩm nhưng có khả thi không khi ý thức bảo vệ quyền lợi lẫn nhau của các hội viên chưa cao? Việc đấu thầu in sách Giáo dục là một ví dụ điển hình, nếu không có sự hợp tác của Nhà xuất Bản Giáo Dục thì kết quả đấu thầu có được như những năm qua? Ngoài ra còn rất nhiều cơ sở in chưa phải là hội viên của Hiệp hội In. Hiện nay các cơ sở in này cũng tham gia phá giá quyết liệt để giành giật công việc. Tình trạng bên Hiệp hội Bao Bì cũng tương tự như vậy.

–        Lãi suất ngân hàng quá cao và khó tiếp cận, nợ xấu tăng. Nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp in rất thấp. Tổng vốn chủ sở hữu của 127 cơ sở đã khảo sát chỉ có 5.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn tập trung ở các cơ sở in của Trung Ương thuộc sở hữu Nhà nước hoặc có nguồn gốc Nhà nước. Lãi suất ngân hàng mấy năm qua quá cao, nay tuy có hạ xuống nhưng vẫn khó chấp nhận khi chi phí sản xuất đã xấp xỉ thậm chí cao hơn giá bán. Còn để có nguồn vốn đầu tư phát triển mở rộng thì nhiếu cơ sở in không có đủ tài sản hoặc nguồn vốn đối ứng để có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dù các ngân hàng đang ở tình trạch dư đọng vốn. Kênh thuê mua tài chính còn khó chấp nhận hơn vì chi phí thuê mua thường cao hơn vay trực tiếp ngân hàng. Tình trạng nợ xấu, nợ dây dưa khó đòi ngày một tăng giữa khách hàng với các cơ sở in, giữa cơ sở in với các nhà cung cấp. Ước tính tổng nợ xấu lên tới hàng trăm tỷ đồng trong toàn ngành. Hiện nay các cơ sở in và các nhà cung cấp đang phải tiến hành các biện pháp cương quyết để giải quyết vấn đề này như thuê công ty đòi nợ, thanh loại bớt khách hàng không tin tưởng và siết chặt khâu thanh toán.

–        Chính sách của Nhà nước với ngành in còn bất cập. Mặc dù in là một ngành kinh doanh đặc thù, có điều kiện nhưng các chính sách mang tính đặc thù cho ngành lại không có. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 30% xuống còn 10% đối với in các xuất bản phẩm là trường hợp duy nhất. Tuy vậy số nhà in có in xuất bản phẩm thì doanh thu, lợi nhuận không lớn nên việc hưởng lợi từ chính sách ưu đãi này không nhiều. Chính sách chung ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vậy do số doanh nghiệp này có lãi rất ít và gần đây tiêu chí lại thay đổi nên số lượng doanh nghiệp này thu nhỏ lại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trực thuộc các Tổng Công ty không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là một bất hợp lý lớn và đang được xem xét sửa đổi. Theo phản ảnh của các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Văn Hóa Sài Gòn, toàn bộ phần trích lợi nhuận cho quỹ đầu tư phát triển tập trung hết về Tổng Công ty, khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển thì được xem xét cấp lại nhưng phải chịu lãi suất có khi còn cao hơn lãi suất ngân hàng. Thuế nhập khẩu đối với các nguyên vật liệu ngành in hiện vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực, quy định về áp mã số thuế còn thiếu rõ ràng, minh bạch gây khó khăn cho doanh nghiệp. Quy định giấy cuộn của ngành in phải qua kiểm dịch thực vật cũng hết sức vô lý gây tốn kém về thời gian và chi phí cho các công ty có hoạt động nhập khẩu. Giá thuê đất hiện nay là quá cao đối với hoạt động sản xuất trong ngành in.

–        Các thủ tục hành chính còn rườm rà và bất cập. Môi trường kinh doanh của các cơ sở in còn chưa thông thoáng, còn bị chi phối bởi các thủ tục hành chính rườm rà, các loại giấy phép con. Mặt bằng sản xuất của nhiều cơ sở in hiện còn chật hẹp, xuống cấp không bảo đảm tiêu chuẩn phòng cháy – chữa cháy, vệ sinh công nghiệp, vận chuyển hàng hóa nên dễ bị gây nhiều phiền phức bởi các cơ quan công quyền. Quy định về xử phạt hành chính đối với quản lý in ấn còn chưa phù hợp với thực tế, gây nhiều bức xúc đối với các doanh nghiệp.

Trên đây là phác thảo hiện trạng ngành công nghiệp in Việt Nam được tổng hợp thông qua các số liệu khảo sát thực tế, các phản ảnh của các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội In Việt Nam và các số liệu của các cơ quan quản lý ngành, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển, quy hoạch ngành và hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp in. Số liệu chi tiết xin tham khảo trong phần phụ lục của báo cáo này.

II. Hoạt động của hiệp hội in việt nam

1. Hoạt động của Hiệp hội In Việt Nam năm 2012
1.1  Công tác tổ chức – pháp chế:

–        Ngay sau đại hội, BCH nhiệm kỳ II đã họp phiên đầu tiên bầu các chức danh như: Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các Ban chuyên môn, hoàn chỉnh các văn bản báo cáo kết quả đại hội để báo cáo Bộ Nội Vụ theo đúng quy định.

–        Hoàn chỉnh điều lệ sửa đổi, sửa đổi quy chế hoạt động của các Ban chuyên môn cho phù hợp với hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, xây dựng quy chế hoạt động của Ban Tổ chức – Pháp chế, Ban Kinh tế – Tài chính (nhiệm kỳ I chưa có). Các văn bản này đã được BCH thông qua và ban hành.

–        Xây dựng quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường Vụ Hiệp hội In Việt Nam.

–            Kiện toàn, bổ sung BCH sau khi có sự thay đổi đại diện pháp nhân ở một số đơn vị, kiện toàn nhân sự các Ban chuyên môn (trừ Ban Kiểm tra do đại hội trực tiếp bầu)

–        Phát triển hội viên: Từ sau đại hội nhiệm kỳ II, Hiệp hội đã phát triển được Chi hội in Quảng Ninh và kết nạp thêm được 6 Hội viên. Theo danh sách mới nhất, tổng số Hội viên của Hiệp hội là 210, trong đó có 159 Hội viên có đóng hội phí và tham gia đầy đủ các hoạt động của Hiệp hội, 51 Hội viên khác chưa đóng hội phí năm nào và rất ít tham gia các hoạt động của Hiệp hội. Trong số 51 cơ sở này có một số đã giải thể, ngưng hoạt động hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh, một số xin rút không tiếp tục tham gia Hiệp hội. Văn phòng và Ban Tổ chức – Pháp chế sẽ rà soát lại các trường hợp này: đối với các đơn vị không còn đủ điều kiện hoặc tự nguyện không tham gia hoạt động sẽ xóa tên khỏi danh sách hội viên. Đối với các đơn vị còn có điều kiện tham gia hoạt động nhưng chưa đóng hội phí sẽ có văn bản nhắc nhở để thu hội phí và khuyến khích các cơ sở đó tiếp tục tham gia Hiệp hội. Sau khi chốt lại danh sách lần cuối, Hiệp hội sẽ cấp lại thẻ hoặc giấy chứng nhận hội viên mới với mẫu thiết kế trang trọng hơn.

Việc phát triển hội viên hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu so với kỳ vọng, Thường vụ, BCH và các hội viên cần tích cực vận động các đơn vị khác có điều kiện tham gia Hiệp hội. Tình trạng phát triển hội viên cũng như thực hiện nghĩa vụ của hội viên như hiện nay cũng là tình trạng phổ biến ở các hiệp hội, ngành nghề khác. Nó phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của hiệp hội và các quyền lợi mang lại cho hội viên, đồng thời cũng phản ánh sự thiếu tính chuyên nghiệp của tổ chức các hiệp hội và của chính các doanh nghiệp.

1.2  Tham gia xây dựng chính sách, các văn bản pháp luật liên quan đến ngành in:

–        Nghiên cứu và tham gia góp ý (bằng văn bản và tại các hội nghị) cho dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi. Nhiều ý kiến đóng góp của Hiệp hội In đã được Ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa để trình Quốc hội thông qua.

–        Hiệp hội đã chủ động đề xuất với Cục Xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội thảo có sự tham dự của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, để góp ý về những nội dung liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi đối với hoạt động xuất bản, trong đó có hoạt động in xuất bản phẩm. Những nội dung chi tiết, cụ thể được đưa ra thảo luận trong hội thảo đã được Bộ Tài chính tiếp thu và được thể hiện trong thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính, trong đó mức thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 25% xuống còn 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm có hiệu lực từ 1/1/2012 trở về sau.

–        Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và thông tin điện tử, trong đó có nhiều điều, khoản liên quan đến hoạt động in và những vấn đề mà các doanh nghiệp in đang bức xúc.

–        Hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc khảo sát, xây dựng và triển khai các văn bản pháp luật của các Bộ, các Ngành.

–        Đã làm việc với Tổng cục Hải quan về những bất cập trong biểu thuế nhập khẩu hiện hành đối với một số mặt hàng, trong đó có bản in offset.

–        Tổ chức việc hiệp thương đấu thầu sách giáo dục có kết quả khá tốt. Tuy vẫn còn hiện tượng chưa tôn trọng các thỏa thuận cam kết.

1.3  Tổ chức các hoạt động chào mừng 60 năm ngày truyền thống ngành Xuất bản – In và Phát hành sách Viện Nam:

Hưởng ứng chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông, của Cục Xuất bản, Hiệp hội In Viện Nam đã thông báo và hướng dẫn các hội viên, các Chi hội trực thuộc và các Hội địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng ngày kỷ niệm Ngành.

Hiệp hội đã phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam, Hội in Hà Nội, Hội in TP Hồ Chí Minh và giao cho các ủy viện BCH phụ trách các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc miền Trung, Tây nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ để tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện của từng khu vực như họp mặt, mít tinh ôn lại truyền thống của Ngành, đánh giá sự phát triển và đóng góp của ngành in trong 60 năm qua, biểu dương những điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, tổ chức liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao và thực hiện công tác xã hội – từ thiện, đền ơn đáp nghĩa v.v…

Hoạt động nổi bật nhất là ở khu vực TP HCM, miền Đông Nam bộ, Hà Nội, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đà nẵng, Phú yên, Bắc miền Trung và vùng núi phía Bắc, Quảng Ninh… thu hút hàng ngàn đại biểu các thế hệ, các vận động viên và nghệ sỹ không chuyên tham dự; mang lại không khí sôi động, tự hào và thắt chặt sự đoàn kết trong toàn ngành. Hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn cuốn sách và nhiều ngôi nhà tình nghĩa, tình thương đã được các đơn vị đóng góp là những hành động thiết thực cho ngày hội truyền thống của Ngành.

1.4  Công tác Thông tin:

–        Hiệp hội đã kịp thời thông tin cho các hội viên về những chế độ, chính sách liên quan đến ngành in như chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động in xuất bản phẩm, tình hình biến động giá cả thị trường bằng văn bản thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị ở các Hội và Chi hội khi đại diện Lãnh đạo Hiệp hội In có điều kiện tham dự, tư vấn trực tiếp khi tiếp xúc và khảo sát ở các cơ sở, giải thích hoặc trả lời thông qua email hoặc trao đổi trực tiếp qua điện thoại.

–        Phối hợp và hưởng ứng với các nhà cung cấp và các Hội in khu vực trong việc tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về công nghệ và dịch vụ kỹ thuật in để khuyến khích việc ứng dụng công nghệ và dịch vụ kỹ thuật mới trong ngành in nước ta.

–        Phương tiện thông tin quan trọng của Hiệp hội In Việt Nam là trang web và tạp chí In và Truyền thông trong nhiều năm qua đã cố gắng khắc phục khó khăn về tài chính, nhân sự và sự hỗ trợ tích cực của Khoa In và Truyền thông Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, đã cung cấp cho Hội viên và các đối tác những thông tin bổ ích và cần thiết, được các cơ sở và bạn đọc rất hoan nghênh. Nguồn tài chính duy trì hoạt động cho trang web và tạp chí là sự tài trợ của các nhà cung cấp, một phần hỗ trợ từ kinh phí của Hiệp hội  và sự hỗ trợ của một số cơ sở in lớn trong giai đoạn đầu, trong đó chủ yếu vẫn là khoản thu quảng cáo của các nhà cung cấp, nguồn thu từ việc bán tạp chí là không đáng kể vì hầu hết các cơ sở chỉ nhận báo biếu mà không đặt mua. Tuy vậy, gần đây do khó khăn về kinh tế nên nguồn thu từ quảng cáo gần như không còn nữa. Do phải tự cân đối thu chi, khoản thu không đủ bù đắp cho các khoản chi nên trang web và tạp chí tạm ngưng hoạt động. Hiện trang web đã chuyển giao cho văn phòng Hiệp hội quản lý nhưng vẫn chưa được vận hành. Thường vụ và BCH Hiệp hội đang tìm cách tháo gỡ để phục hồi lại các phương tiện thông tin hữu ích kể trên. Mặt khác, Hiệp hội cũng kêu gọi các hội viên và các cơ sở in cùng chung tay hỗ trợ bằng cách đặt mua tờ tạp chí thường xuyên, không nên để tờ tạp chí chết yểu hoặc èo uột như ở hầu hết các hiệp hội nghề khác.

–        Công tác thông tin hai chiều là rất cần thiết cho các hoạt động của Hiệp hội. Ngay từ nhiệm kỳ I, Hiệp hội In Việt Nam đã gửi phiếu thăm dò thông tin cho các Hội viên nhưng không được phản hồi. Trước tết Quý Tỵ vừa qua, thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ II, Hiệp hội In đã gửi phiếu khảo sát tới các hội viên, để thực hiện cho việc đánh giá thực trạng ngành in nước ta trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay và để xuất bản cuốn kỷ yếu ngành, nhưng số phiếu phản hồi là rất ít. Hiệp hội đã phải áp dụng giải pháp khác như phối hợp với Hội in TP HCM tổ chức khảo sát trực tiếp tại các cơ sở in chính tại TP HCM và miền Đông, trực tiếp gọi điện và liên lạc qua email cho nhiều cơ sở in trên cả nước để có được kết quả khảo sát của 127 cơ sở như trong phần phụ lục của bản báo cáo này. Qua việc trực tiếp khảo sát ở tận cơ sở đã giúp cho Hiệp hội nắm được nhiều thông tin và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở. Sắp tới Hiệp hội sẽ tiếp tục công việc này ở các khu vực còn lại để có những thông tin đầy đủ hơn. Cũng rất mong được sự hưởng ứng và hợp tác của các Hội viên và cơ sở in trong toàn ngành, giúp cho hoạt động của Hiệp hội có chiều sâu hơn trong thời gian tới.

1.5 Công tác đối ngoại và một số công tác khác:

Hiệp hội đã duy trì được các mối quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế như Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam, Mess Duselldorf, Trung tâm Hội chợ, triễn lãm BITEC Thái Lan, các Hiệp hội in Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông v.v… để có những thông tin cần thiết và tổ chức các đoàn doanh nghiệp in tham dự các cuộc triễn lãm quốc tế, giao lưu và trao đổi thông tin với số lượng từ vài chục đến trên 100 thành viên mỗi đoàn. Riêng hội chợ Drupa – hội chợ ngành in lớn nhất toàn cầu – theo đánh giá của Lãnh đạo Mess Duselldorf tại cuộc gặp mặt với đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp Việt nam tại TP HCM tháng 4 vừa qua thì đoàn doanh nghiệp in Việt Nam tham dự Drupa trong các kỳ hội chợ gần đây là khá ấn tượng với những thành viên có quyền quyết định cao trong quan hệ thương mại. Tại hội chợ Print and Pack năm tới tại Thái Lan do Mess Duselldorf tổ chức sẽ có khuyến mãi cho đoàn Việt Nam là 100 USD cho mỗi thành viên tham gia. Ở các hội chợ triễn lãm khác tại Trung Quốc, Hàn Quốc, đoàn Việt Nam cũng được tiếp đón nồng nhiệt và hữu nghị.

Hiệp hội đang phối hợp với Hội In TP HCM, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM để thiết lập mối quan hệ với Nhật Bản trong công tác đào tạo.

Về đối nội, ngay sau Đại hội nhiệm kỳ II, Hiệp hội In Việt Nam chính thức lập hồ sơ gửi Trung tâm kỷ lục Việt Nam về việc công nhận ông Lương Như Hộc
(1420 – 1510), một Nhân sỹ nỗi tiếng thời Hậu Lê, quê tại Liễu Tràng-Hải Dương là ông Tổ nghề In Việt Nam và ông Lương Như Hộc đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận, đưa vào danh sách bao gồm 20 vị tổ nghề của Việt Nam và 30 vị tổ nghề của thế giới, trong đó có tổ nghề in thế giới là Johannes Gutenberg(1430-1468) gần như cùng thời với ông tổ nghề in của Việt Nam. Đây cũng là vinh hạnh lớn cho ngành in nước ta khi một nhân sỹ đức độ có công khai sáng và phát triển nghề in thủ công của nước ta vào giữa thế kỷ 15 đã được vinh danh. Hiện Trung tâm Kỷ lục Việt Nam đang đề nghị Nhà nước và sự hỗ trợ từ các ngành để xây dựng ngôi Đình Tổ Nghề Việt Nam và thế giới. Hiệp hội In Việt Nam đã ba lần cử đoàn đến thắp hương đền thờ ông Lương Như Hộc tại Hải Dương.

2. Những tồn tại và hạn chế

–        Sự hoạt động của Ban Lãnh đạo Hiệp hội, của Thường vụ và BCH còn chưa đều tay, thiếu thống nhất ý chí.

–        Các Ban chuyên môn chưa có chương trình hoạt động cụ thể, dẫn đến hoạt động của Hiệp hội chưa được mạnh, đều khắp và liên tục, vì thế chưa phát huy được vai trò của Hiệp hội đối với các hội viên.

–        Ban Thường vụ chưa duy trì họp đều đặn thường kỳ theo quy định dẫn đến việc chỉ đạo thiếu sâu sát và chậm triển khai các hoạt động cũng như giải quyết những khó khăn vướng mắc trong các cơ quan trực thuộc Hiệp hội.

–        Chưa làm tốt công tác quản lý hội viên. Một số Hội viên không tham gia các hoạt động của Hiệp hội hoặc nhiều năm liền không đóng hội phí, nhưng chưa có biện pháp tích cực để vận động hoặc nhắc nhở có hiệu quả.

–        Việc phát triển hội viên còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Khá nhiều cơ sở còn bị lúng túng về thủ tục gia nhập Hiệp hội. Có những nhà in tham gia nhiều hoạt động của Hiệp hội nhưng vẫn chưa là hội viên chính thức nhưng Hiệp hội vẫn chưa có sự vận động và hướng dẫn thủ tục gia nhập Hiệp hội.

III. Phương hướng hoạt động của nghành in năm 2013 – 2014

Củng cố hoạt động của các Ban chuyên môn, yêu cầu các Ban chuyên môn xây dựng chương trình công tác cụ thể, có sự phân công để tránh tình trạng công việc của Hiệp hội chỉ tập trung ở một số người.
Ban hành Quy chế làm việc của Ban Thường vụ, Quy chế Khen thưởng – Kỷ luật, thành lập Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của Hiệp hội.
Tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, Bộ Tài Chính và các cơ quan liên quan trong việc kiến nghị với Nhà nước thực hiện các chính sách ưu đãi, đặc thù để hỗ trợ ngành in phát triển, trong công tác quy hoạch ngành cũng như công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành in.
Tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn bản dưới luật để phục vụ triển khai thực hiện Luật Xuất bản mới ban hành. Tham gia góp ý về việc xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật ở những lĩnh vực có liên quan.
Đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục xem xét điều chỉnh đơn giá gia công in cho phù hợp với mặt bằng chi phí chung của toàn ngành, thanh toán kịp thời cho các nhà in đẩ giảm bới khó khăn về tài chính, phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục, các hội, chi hội trong việc tổ chức đấu thầu, tham gia đấu thầu in sách Giáo dục năm 2013-2014.
Hỗ trợ các hội, chi hội nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy được vai trò ở từng địa bàn.
Tiếp tục thực hiện công tác khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, từng địa bàn phục vụ cho việc định hướng và quy hoạch phát triển ngành, tham khảo thêm các nguồn thông tin từ cơ quan quản lý ngành, Tổng cục Thống kê, các Sở Thông tin và Truyền thông, Danh bạ công nghiệp Việt Nam, Niên giám điện thoại và các trang vàng v.v… để xuất bản cuốn danh bạ và kỷ yếu doanh nghiệp in.
Trong năm 2013 hoàn tất Quy chế giải thưởng chất lượng in nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác giao lưu, hợp tác quốc tế. Gia nhập tổ chức Hiệp hội In Châu Á – Thái Bình Dương.
10. Nâng cao chất lượng công tác hội viên, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền và giữa các hội viên nhằm trao đổi kinh nghiệm và học hỏi các doanh nghiệp tiên tiến, sản xuất – kinh doanh phát triển và có hiệu quả. Rà soát, lập lại danh sách hội viên để cấp giấy chứng nhận hội viên theo mẫu mới.

11. Củng cố các cơ quan trực thuộc Hiệp hội, trong đó có trang web và Tạp chí In và truyền thông.

BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI IN VIỆT NAM

                                                                                                                                                                                         ( Nguồn vinaprint )

Địa chỉ công ty in ấn tại Hà Nội : Số 27 Hồ Văn Chương, Ngõ 221 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội.
Điện Thoại: (+84) 04 7302 8080  *  Fax: (+84) 04 7302 8484  |  Email: [email protected]
Mobile: 0983 82 8800(Ms.Nhung) – 0986 455385(Ms.Ngọc Ngà) – 0972750855(Ms.Hoài Anh)